Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Tiếc Thương Nguyễn Xuân Hoàng

clip_image002

CÁNH CỬA ÊM Ả

nguyễn thị hoàng bắc

1. Mấy tháng trước, khi cơn bệnh sarcoma của anh Nguyễn Xuân Hoàng trở nặng, bạn bè kêu nhau – cũng như trước kia với anh Nguyễn Mộng Giác – Phùng Nguyễn, Trịnh Y Thư bảo, viết cái gì đi, viết vài kỷ niệm ba lăng nhăng cũng được, cho ổng đọc ổng vui khi ổng còn sống còn đọc được. Họ dùng chữ ba lăng nhăng vì có lẽ biết tôi hay viết ba lăng nhăng chăng… Toàn là các bạn thân kêu gọi, vậy mà lần nào tôi cũng không làm được. Không thể viết được gì khi thấy các anh đang vật vã, nói chuyện vui vui thì lòng mình buồn rười rượi, nói ba lăng nhăng thì thấy vô duyên, và thế là lờ đi, là im luôn.

2. Anh Hoàng, anh Giác là đàn anh “đủ chuyện” của tôi. Đàn anh vì học chung một trường trung học (Võ Tánh), một trường đại học (Sư Phạm), cùng lớn lên trong một thành phố (Nhatrang), tuy chỉ có anh Nguyễn Xuân Hoàng là dân bản xứ, anh Nguyễn Mộng Giác gốc Qui Nhơn vào Nhatrang trọ học, và tôi là dân tứ xứ, ba mẹ từ Quảng Bình vào Saigon làm công chức rồi các chị em chúng tôi đều sinh ra ở Saigon, rồi trôi dạt về Nhatrang, và đi học, và lớn lên ở đó, và tất nhiên, tuổi thanh xuân của tôi có anh Giác, anh Hoàng. Lớp hậu sinh lúc đó nể anh Giác vì anh nổi tiếng học giỏi, nhưng nể anh Hoàng vì anh đẹp trai và sát gái từ hồi anh học trung học. Tôi nghe qua nghe lại các cô gái đẹp Nhatrang đều xì xào thì thầm kể chuyện về anh Hoàng. Chứ không chỉ sau này khi anh vào Saigon dạy học, viết văn rồi mới nổi tiếng Don Juan một thời. Anh cao lớn trắng trẻo như tây, có lần tôi hỏi, anh nói hình như ông ngoại anh đi Pháp và cưới một bà vợ đầm thì phải… Mùa hè, dân Nhatrang tràn ra tắm biển, tôi vẫn e dè từ xa nhìn anh cỡi trần, có vài hôm lại choàng cái khăn lông màu mè hiên ngang đi rễu dọc bờ biển, cho tim các hoa khôi Nhatrang tha hổ đập thình thịch…

Anh kể: “Có lần ở biển Nhatrang, anh hẹn với BM rồi nhớ nhớ quên quên thế nào lại hẹn với O., O. là một cô đầm lai, học trường tây, và tất nhiên như BM là vào hàng hoa khôi, hoa hậu. Tất nhiên là hai nàng đụng độ vân vân… Nhưng chuyện tình tai tiếng nhất của anh lúc đó là với một cô hoa khôi họ hàng với tôi, tôi gọi bằng dì, lâu lâu sau này đi Cali gặp anh tôi cũng réo đùa anh là “dượng Hoàng, dượng Hoàng chở tụi cháu đi ăn phở đi!” Anh gạt phắt “Ăn thì ăn, tui không muốn làm dượng ghẻ của ai đâu!” Tôi nói chuyện tình tai tiếng vì thuở ấy, dì tôi học lớp 7, anh lớp 10, dì tôi gặp anh và về bỏ bồ để theo anh. Bồ của dì cũng học đệ tam nhưng thề um sùm lên cho cả thành phố biết là “mai này đi lính lấy súng về bắn nát óc thằng Hoàng.”

Tôi vẫn tiếp tục giúp anh đưa thư tình cho dì, và có lần thắc mắc quá, chịu không nỗi, tôi bôi nước miếng lên bức thư dán kín của anh để lén mở coi thư tình là cái quái gì mà coi bộ thiên hạ say sưa ngây ngất thế. Thất vọng và tuyệt vọng. Chỉ là một tấm thời khoá biểu, anh kẻ ra các ô rất rành mạch, chỉ ra giờ nào anh bận đi học, học bài làm bài ở nhà, và giờ nào trống thì dì tôi có thể ghé thăm anh được. Sau này nghĩ lại, tôi thấy anh này còn nhỏ mà uy ghê, hẹn với gái mà sao ngon lành vậy, cho đến giờ nào thì đến bảo đi giờ nào thì đi. Nghe nói các mối tình vũ nữ sau này của anh cũng vậy. Thì ra Don Juan đã xuất hiện từ lúc não lúc nao rồi, tài không đợi tuổi.

Nhưng mà anh rất hiền. Kêu anh là dượng Hoàng, là Don Juan, là ông tây lai Odette, là Kẻ tà đạo*, là Bụi và Rác (có lần đột nhiên anh gọi và chắc đang buồn chuyện gì đó nên thở ra nói: đời anh giống như cái thùng rác?!)… và sau này bắt chước Mai Thảo thì khện thêm hai chữ hết thời sau cái tên hiệu Don Juan của anh, DJ hết thời nghe cũng thê thảm lắm, coi bộ anh cũng hơi bất mãn tí xíu, nhưng rồi cũng cười hà hà. Anh Nguyễn Mộng Giác cũng hiền, cũng hay cười cười nhưng cái cười tư lự làm lũ đàn em không dám chọc ghẹo nhăn nhở như đối với anh Hoàng.

3. Cả hai anh, tôi đều có kỷ niệm đi chấm thi chung một trung tâm lúc đó ở Saigon. Anh Nguyễn Mộng Giác và tôi đều cùng làm giám khảo chấm Việt Văn các kỳ thi Tú tài (tốt nghiệp cấp 3) thời đó, nhiều lần anh Giác là trưởng ban Văn của chúng tôi, anh lập barême thang điểm, đề nghị dàn bài đáp án của đề thi, thường được nhiều đồng nghiệp nể nang. Và làm việc với anh là làm đâu ra đấy, không trốn đi chơi, không tán chuyện rôm rả trong khi làm việc, dù lúc đó, đi chấm thi là một dịp gặp lại bạn cũ cùng trường, cùng lớp, và các quý giáo sư còn trẻ còn độc thân thì tụ họp bù khú là chuyện bình thường. Chấm thì chấm nhưng vẫn liếc đồng hồ để đi ra tụ tập bạn bè ăn nhậu, bọn con gái thì thích ăn, đám con trai thì thích nhậu, nhưng cũng thích đi chung cả đám tán chuyện mới vui. Anh Giác thì nghiêm nghị, anh không nhập bọn với bọn tào lao chúng tôi, nhưng giám khảo Hoàng thì còn siêu hơn chúng tôi mấy bậc. Có một lần chấm thi ở trung tâm Trưng Vương Saigon, anh Hoàng chấm luận văn Triết ở phòng bên cạnh ban Văn, tôi có cô em chấm ở đó, giờ giải lao hẹn chạy qua đó kêu nó đi uống nước, và nhân tiện kéo anh Hoàng đi.

Cô em tôi lắc đầu: “Ổng này tà đạo* lắm, đâu có chấm cháp gì đâu, ổng vô quơ quơ vài ba bài gì đó, nộp cho trưởng ban rồi ra lấy xe đi mất tiêu. À, nhưng mà hôm nào ổng ở lâu hơn một chút thì ổng không quên mua ô mai vô phát không cho tụi con gái (mấy cô giáo).” Suốt cả hơn tuần lễ chấm thi, tôi can-me hoài mà không hề gặp được chàng. (Về cái chữ chàng nàng này, Nguyễn Xuân Hoàng sử dụng nhiều lắm trong các truyện của anh, về sau chắc chán, có lần khi tôi hỏi anh có bùa chú văn chương gì trao cho đàn em không, anh ngẫm nghĩ rồi nói, nè thử cố viết đừng có một chữ chàng nàng nào được không?).

Sau này ở Mỹ, có lần tôi dự một buổi Ra Mắt Sách giới thiệu một quyển sách mới in của anh, theo lệ thường những buổi như vậy, tác giả trước sau cũng phải xuất hiện và “nói vài lời” với khán thính giả đang chờ đợi. Cả buổi, tôi thấy anh cứ ngồi ì ở dưới hàng ghế gần cuối, nét mặt tươi cười chứ không phải kênh kiệu điệu bộ gì, chăm chú vừa phải theo dõi, nhưng… cứ như Nguyễn Xuân Hoàng mà các diễn giả đang nhắc nhở trên sân khấu không phải là anh, là một ai đó khác, l’etranger của Albert Camus, hay một kẻ vô tích sự*, hay chính là người đi trên mây* của Nguyễn Xuân Hoàng?

4.. Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng cũng là một nhân vật tai tiếng/nổi tiếng của Nhatrang. Mối tình thiếu nữ của chị với một ông thầy dạy văn chương Pháp của chị và chúng tôi, lúc chỉ là học sinh lớp 10, chị đã nổi tiếng làm thơ hay, bọn nữ sinh chúng tôi chuyền tay nhau chép, và hít hà ngâm ngợi bài “Chi lạ rứa chiều nay tôi muốn khóc” của chị: ” Chi lạ rứa người làm tôi ái ngại, Ngó chi tôi loài cỏ dại hoa hèn, Nhìn chi tôi hình bươm bướm trong đêm, Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch…” Sau khi scandale chị với thầy nổ ra, tình cờ tôi đọc ở tạp chí Bông Lúa một bài thơ trả lời hay châm chích gì đó chị Nguyễn Thị Hoàng bằng cách nhại giọng Huế của chị, và cũng của thầy CGN: “Có chi mô mà phải hỏi chi lạ rứa, Và mần chi lạ rứa có chi mô, Lòng ai kia có phải nước sông hồ, Tôi muốn hỏi vì răng bên nớ khóc…” Không biết sao, lúc tôi học Saigon, bạn bè kháo nhau, tác giả bài thơ là Nguyễn Xuân Hoàng đó. Thưở đó, anh Dương Nghiễm Mậu cũng có thời học ở Nhatrang và là học trò cưng của thầy Thạch Trung Giả, anh Mậu cũng viết một truyện phang scandale này dữ dội… Tôi có hỏi anh Hoàng lúc gặp lại ở Mỹ, anh cười không xác nhận mà cũng không chối mình là tác giả. Hình như bài đó anh không ký là Hoang Vu, bút hiệu của Nguyễn Xuân Hoàng khi làm thơ.

5. Có một kỷ niệm nho nhỏ với anh Nguyễn Xuân Hoàng. Lúc tôi vượt biển tới đảo Hongkong 1985, ăn ở không thì mới tập tễnh viết truyện đăng ở các báo Văn Học (Mỹ) và Làng Văn (Canada). Anh Hoàng lúc đó đang ở Virginia làm báo Hoa Thịnh Đốn Việt Báo của Giang Hữu Tuyên, tôi ký tên thật thì anh Giác biết ngay, bạn học tôi là Võ Kỳ Điền ở Canada, Quán Như ở Úc đều biết ngay, nhưng đối với anh Hoàng tôi là tiểu tốt, lại không phải là hoa khôi hoa hậu gì nên anh chẳng thể nhớ tên. Mặc dù đã mấy lần đưa thư tình hộ cho anh, phải nói rõ hơn là chuyền chứ không nhận trực tiếp từ anh, một nhỏ bạn tên NT ở gần nhà anh nhận thư trao cho tôi và tôi đưa lại cho bà dì… Chưa kể tôi có hai chị em bạn học Tưởng và Nghĩ là em họ của anh, có mấy lần tôi đạp xe gần chục cây số tới nhà ở quê Thanh Minh của nó chơi, sau lưng vườn nhà nó là căn nhà ngói đỏ* nhà ở quê của ba má anh Hoàng. Tụi tôi chỉ chỏ: ồ ồ nhà ổng có cây mít to ghê, để tao về mét lại với bà dì tao… Sau này gặp Giang Hữu Tuyên ở Virginia, lúc đó anh Hoàng và gia đình đã dọn đi California, tôi tìm gặp Tuyên và cám ơn Tuyên vì chuyện khi tôi ở đảo, Tuyên lấy một truyện của tôi đăng ở Làng Văn đăng lại ở HTĐ Việt Báo (truyện Mùa Đông Qua Mau) và gởi về địa chỉ trại tị nạn ở Philippines, lúc đó tôi đã chuyển trại sang Philippines để chờ đi định cư ở Mỹ, Tuyên gởi thư kèm nhuận bút 50 đô la đến tôi. Đó là số tiền nhuận bút đầu tiên (và lớn quá lúc đó!) của tôi ở nước ngoài. Và Tuyên kể, anh Nguyễn Xuân Hoàng nói, cô NTHB này sẽ còn đi xa lắm đấy! Và cũng có nghĩa là tên tôi hoàn toàn xa lạ với anh. Sau này có dịp tôi nhắc, anh nhanh nhẹn, nhẹ nhàng cà rỡn một chút, “À, anh nói vậy vì tên ai mà có chữ Hoàng là phải viết văn hay thôi.”

Tôi thì nghĩ, ăn nói như thế thì nổi tiếng sát gái là phải. Cho nên anh có hai dòng con. Chị Trương Gia Vy sau này khi chị hai tôi làm sui với em gái anh Hoàng thì tôi mới được dịp gặp. Chị trước tôi có gặp một lần ở Saigon vì chị cũng là dân Đại Học Sư Phạm, cũng là cô giáo cấp 3. Mấy năm trước đây, chị đã mất ở Paris.

6. Nhưng bây giờ thì hầu như mọi chuyện đã hết rồi, tất cả đã đi đâu hết rồi. Kể từ Mai Thảo, Nguyên Sa, Võ Đình, Thanh Tâm Tuyền, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mộng Giác, Thao Trường, Nguyễn Xuân Hoàng… các anh chị ôm giữ và đem theo và nối tiếp một trời tuổi trẻ Saigon thưở ấy cho chúng tôi, và bây giờ tôi ngớ lên, và không biết các anh lần lượt đã xoá nhoà biến đi đâu tất cả. Cả các bạn làm báo Lê Đình Điểu, Đỗ Ngọc Yến, Giang Hữu Tuyên, Lê Thiệp, Ngô Vương Toại, Vũ Ánh, và Quỳnh Giao cũng đi tuốt luôn.

Không gian bỗng nhiên vắng lặng mà không êm ả một cách lạ thường. Chắc nơi các anh chị ở mới là nơi êm ả. Và anh Nguyễn Xuân Hoàng đang mở cánh cửa êm ả đó để đi vào, phải không anh Hoàng?

_______

***Kẻ Tà Đạo, Bụi và Rác, Tự truyện của một Người Vô Tích Sự, Căn Nhà Ngói Đỏ, Người Đi Trên Mây là tên các tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng

Virginia, 9/2014